399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Sau gần 10 năm là đơn vị đi đầu về cung cấp dịch vụ thoại công nghệ CDMA, đầu năm nay, Trung tâm Điện thoại di động CDMA S-Telecom (đơn vị điều hành mạng S-Fone) nhận quyết định chuyển đổi mô hình hoạt động sang Công ty TNHH Thông tin và Viễn thông di động S-Telecom. S-Fone cũng được chấp thuận khai tử CDMA để chuyển đổi sang công nghệ 3G với số vốn đầu tư ước tính lên tới hàng trăm triệu đôla.
Trong lúc tìm nguồn vốn đầu tư để thay máu công nghệ và ổn định mô hình kinh doanh mới, S-Telecom từng bước ngừng hợp đồng lao động và đi đến chấm dứt hợp đồng với toàn bộ nhân viên kể từ 11/6. Theo khiếu nại của một số nhân viên, công ty vẫn chưa thanh toán lương, chế độ trong hai tháng cuối trước khi kết thúc hợp đồng và chưa đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc từ đầu 2011 đến nay cho người lao động.
Trao đổi với VnExpress.net chiều 19/7, ông Hoàng Sĩ Hóa, Tổng giám đốc Công ty Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) - cơ quan chủ quản S-Fone xác nhận số tiền nợ người lao động hiện lên đến 43 tỷ đồng, trong đó nợ bảo hiểm xã hội là hơn 19 tỷ đồng.
S-Fone chấm dứt hợp đồng lao động với tất cả nhân viên vì kết thúc mô hình BCC
Ngày 18/7, ông Hóa đã chủ trì buổi hòa giải giữa SPT, S-Telecom và người lao động tại TP HCM để các bên hiểu và thông cảm cho nhau. Theo ông, công đoàn S-Telecom và người lao động đã đồng thuận cách giải quyết của SPT. Cụ thể, SPT cam kết 6 tháng tới sẽ trả hết tiền lương còn thiếu, chế độ phụ cấp, hỗ trợ mất việc... cho các cựu nhân viên. Ước tính số tiền này là trên 20 tỷ đồng. Song song quá trình đó, SPT sẽ trả bảo hiểm xã hội trong vòng 6-9 tháng. Ngoài số tiền trên, cơ quan chủ quản SPT cam kết hỗ trợ thêm cho những người lao động nghỉ việc đợt này, mỗi người được 1,5 tháng lương và sẽ nhận vào tháng 8 tới.
S-Fone hay Trung tâm điều hành mạng S-Telecom ra đời trước đây theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) giữa đối tác Việt Nam là Công ty Cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài gòn (SPT) và đối tác Hàn Quốc SLD Telecom. Quy định hiện hành cho phép BCC hoạt động độc lập với cơ quan chủ quản. Và trong gần 10 năm hoạt động, các báo cáo tài chính của BCC này chưa bao giờ được hợp nhất hay tổng hợp vào báo cáo tài chính của SPT.
"Trách nhiệm tài chính với người lao động như trả lương, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... thuộc về BCC S-Telecom", ông Hóa khẳng định.
Cũng theo ông Hoàng Sĩ Hóa, do BCC là mô hình kinh doanh, một pháp nhân không hoàn chỉnh theo luật Việt Nam nên bị hạn chế một số quyền hạn. S-Telecom phải nhận ủy quyền từ SPT trong một số quan hệ dân sự, như ký hợp đồng và sử dụng lao động. Vì thế, khi BCC S-Telecom ngừng hoạt động và không có khả năng chi trả lương lao động, SPT phải lãnh trách nhiệm trả thay.
Tuy nhiên, ông Hóa chia sẻ 43 tỷ đồng là một gánh nặng với SPT vì công ty này hiện cũng phải lo kinh phí cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
"Chi trả một số tiền quá lớn như vậy và ngay lập tức cũng là bài toán nan giải với SPT", ông Hóa giãi bày.
Về lý do chấm dứt hợp đồng lao động với toàn thể nhân viên S-Fone, ông Hóa cho biết đây là thủ tục cần thiết theo quy định khi chuyển đổi mô hình hoạt động, kết thúc BCC. Hiện, S-Telecom đã chuyển sang pháp nhân mới là công ty liên doanh (Công ty TNHH Thông tin & Viễn thông di động S-Telecom).
Trong đó, nhân viên của S-Telecom được chia thành 2 nhóm, một nhóm sẽ chuyển tiếp làm việc tại công ty liên doanh mới, nhóm còn lại chính thức nghỉ và tìm công việc mới, chờ khi doanh nghiệp có nhu cầu sẽ liên hệ lại. "Việc chấm dứt hợp đồng lao động là thủ tục bắt buộc để kết thúc mô hình BCC, chuyển sang một giai đoạn khác chứ không phải sa thải hay cho nghỉ việc 100%", ông Hóa nói.
Tuy nhiên, đến nay, số nhân viên chuyển tiếp sang làm việc cho công ty liên doanh mới của S-Telecom cũng chưa được ký lại hợp đồng. Việc giữ lại một số người lao động để triển khai mô hình hoạt động mới đã được S-Telecom ra quyết định chung chứ chưa ký hợp đồng với từng nhân viên. Đối với bản thân các cán bộ này, BCC cũng có trách nhiệm thanh toán chế độ thâm niên cho họ.
Riêng việc cựu nhân viên S-Fone tại Đà Nẵng kiến nghị đòi nợ lương, ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc Sở Lao động thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho VnExpress biết, sự việc đã được Thanh tra Sở vào cuộc điều tra. Kết quả sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất.