Thương Gia
Cộng đồng doanh nhân
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Kinh doanh
  • Biệt thự cổ: Giá 1m2 bằng căn hộ tập thể

Biệt thự cổ: Giá 1m2 bằng căn hộ tập thể

Mặc dù nhiều phân khúc đất biệt thự đang khá trầm lắng nhưng tại nhiều ngôi biệt thự phố cổ tại Hà Nội vẫn được chào bán với mức giá cao ngất ngưởng 500-800 triệu đồng/m2.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1.600 căn biệt thự cổ đang tồn tại trong đó 562 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, 1.024 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, 42 biệt thự ở trung tâm chính trị Ba Đình không được phép tư nhân hoá.

Các biệt thự này chủ yếu nằm trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình. Phần lớn mang hình dáng kiến trúc kiểu Pháp, còn lại là kết hợp giữa kiến trúc phương Tây và Á Đông. Số ít còn lại được xây dựng sau năm 1954, nằm tại các khu Đội Cấn, Vĩnh Hồ, Trung Tự... nhưng cũng đều có tuổi đời trên 50 năm.



Biệt thự cổ phố Lý Thường Kiệt có giá kỷ lục gần 1 tỷ đồng/m2.

Do số lượng các căn biệt thự có hạn vì vậy giá bán được chào rất cao trung bình ở mức 300-500 triệu đồng/m2 đối với các khu nhà biệt thự ở phố nhỏ, giá bán 500-800 triệu đồng/m2 đối với các khu biệt thự ở các tuyến phố lớn như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, ....

Tham khảo trên các trang web lớn về bất động sản, có thể dễ dàng tìm thấy các căn biệt thự cổ đang được chào bán. Theo đó, một m2 đất biệt thự cổ mặt đường Lý Thường Kiệt có giá 600-720 triệu đồng/m2, tại mặt phố Trần Hưng Đạo giá bán cũng 750-800 triệu đồng/m2, tại mặt phố Điện Biên Phủ giá biệt thự chào bán 600 triệu đồng/m2. Biệt thự cổ tại phố Cửa Bắc giá chào bán 450-480 triệu đồng/m2, giá biệt thự mặt phố Trần Phú được chào bán 550-600 triệu đồng/m2

Tại các phố nhỏ hơn như biệt thự phố Nguyễn Văn Cần mỗi m2 có giá 400 triệu đồng/m2, biệt thự cổ phố Hàn Thuyên có giá bán trung bình 420-500 triệu đồng/m2, Cao Bá Quất giá chào bán 300-350 triệu đồng/m2....

Theo tìm hiểu riêng, sở dĩ giá biệt thự cổ hiện vẫn đang ở mức cao như vậy trước tiên là do yếu tố về vị trí đắc địa. Vào thời điểm cách đây hơn 1 năm trên thị trường bất động sản đã xuất hiện tình trạng mua gom các căn biệt thự này.Tuy nhiên, sau lệnh cấm “phá dỡ, cải tạo”biệt thự xây dựng cao ốc tại Hà Nội, nhiều đại gia bất động sản đã bị “vỡ mộng” khi bỏ ra cả vài triệu USD để mua.

“Người từ khắp nơi tìm về đất kinh đô tìm mua không chỉ vì đất biệt thự toàn là đất kim cương, giá trị sinh lời cực lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay việc thanh khoản được các căn biệt thự này là cả một vấn đề rất lớn. Bởi với mức giá chào bán trung bình 500-800 triệu đồng/m2 thì không phải ai cũng có sẵn tiền” anh Nguyễn Hữu Cảnh – giám đốc một sàn bất động sản cho biết

Chị Ngô Bích Vân, người mua nhà cho biết, việc tìm mua nhà tại các biệt thự cổ lúc này hoàn toàn không phải dễ dàng như mình nghĩ, mặc dù thị trường nhà đất hiện không lấy gì làm sáng sủa. Khách hàng ít có sự lựa chọn.

Nhà biệt thự phố cổ trong trung tâm thành phố mặc dù môi trường và cơ sở hạ tầng không đồng bộ như nhà đất dự án, nhưng được cái thuận tiện sinh hoạt, đi lại, làm việc và là khu dân cư ổn định lâu đời.

Đam mê biệt thự cổ, anh Quang Trần (Chủ tịch một tập đoàn kinh doanh lớn) cho biết, năm 2011 anh đã bỏ ra 120 tỷ đồng để mua căn biệt thự tại phố Hàng Bún. Sau khi mua xong, anh bỏ ra thêm gần 10 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo lại toàn bộ căn biệt thự cổ. “Mặc dù giá trị căn nhà tại thời điểm này đã giảm 20% nhưng điều đó không quan trọng bằng giá trị, hồn cốt của căn nhà”, anh Trần cho hay.