399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
NHỮNG DỰ ÁN NGHÌN TỶ!
Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.000km, cùng nhiều hải đảo luôn có gió thổi quanh năm với tốc độ trung bình từ 4 mét/giây trở lên. Đây là lợi thế rất lớn để lắp đặt những quạt gió, khai thác phong điện. Một chuyên gia năng lượng cho biết, VN được đánh giá là nơi có tiềm năng gió lớn nhất Đông Nam Á với tổng công suất điện gió ước tính hơn 510.000MW, cao gấp 200 lần công suất của Nhà máy Thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020. Đây là nguồn năng lượng rất có ý nghĩa để hỗ trợ việc sản xuất quạt công nghiệp, có thể khai thác bổ sung cho nguồn điện quốc gia, thay thế một số nguồn năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt. Phong điện hay điện gió thật sự là một trong những giải pháp năng lượng quan trọng đối với VN. So với nhiệt điện hay thủy điện, phong điện tỏ rõ thế mạnh vượt trội. Phong điện không tiêu tốn nhiên liệu, không gây ô nhiễm môi trường như các nhà máy nhiệt điện; dễ chọn địa điểm, không cần diện tích khổng lồ cho hồ chứa nước như thủy điện. Quan trọng hơn, chi phí cho việc đầu tư vào các dự án phong điện đã giảm từ 50 đến 75% so với trước đây và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Nắm bắt được thế mạnh và khả năng sinh lợi cao của phong điện, một số doanh nghiệp đã lập và triển khai nhiều dự án với số vốn đầu tư hàng trăm triệu USD. Cụ thể như Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Việt Nam (Cty REVN) đang triển khai nhà máy phong điện vào loại lớn nhất Đông Nam Á tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, công suất 120MW (80 chiếc quạt công nghiệp, mỗi chiếc 1,5MW) với tổng vốn đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng chia làm ba giai đoạn. Hiện công ty đã hoàn tất việc lắp đặt 5 chiếc quạt đầu tiên đấu nối với lưới điện quốc gia. Giai đoạn 1, REVN sẽ lắp đặt tiếp 7 chiếc quạt công nghiệp, nâng công suất lên 18MW với tổng vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng.
Cối xay gió cổ
“So kè” với REVN là Công ty cổ phần đầu tư địa ốc dịch vụ thương mại Sĩ Cát (Cty Sĩ Cát) liên doanh với nước ngoài để xúc tiến, triển khai hai dự án lớn. Dự án tại Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, công suất 30MW gồm 30 chiếc quạt một MW với tổng vốn đầu tư 445 tỷ đồng. Dự án tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, công suất 90MW với tổng vốn đầu tư 2.358 tỷ đồng chia làm hai giai đoạn. Công ty vừa làm việc với tỉnh Ninh Thuận để khảo sát, triển khai dự án phong điện thứ ba tại Sơn Hải, huyện Thuận Nam với tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Giám đốc điều hành Cty Sĩ Cát Nguyễn Quốc Thắng hồ hởi: “Có thể khẳng định năng lượng mặt trời, phong điện hay điện gió là nguồn năng lượng tái tạo vĩnh cửu của nhân loại. Công suất của phong điện trên thế giới hiện nay khoảng 50.000MW và ngày càng tăng cao, trung bình 17%/năm. Nhiều nước công nghiệp hóa lấy phong điện làm chiến lược phát triển bền vững. Điển hình như Đức, đang dẫn đầu thế giới về phong điện với hơn 19.000 chiếc “cối xay gió” lớn nhỏ được lắp đặt khắp đất nước. Với hơn 3.000km bờ biển, VN đang sở hữu một “kho báu” phong điện vô tận đang chờ khai thác!”. Liên quan dự án phong điện tại Phú Quốc, ông Nguyễn Quốc Thắng cho biết: “Khi dự án hoàn tất, nơi đây sẽ trở thành điểm tham quan, nghỉ dưỡng, tạo nên một điểm du lịch vừa mới vừa lạ cho Phú Quốc”.
Ngoài hai Công ty REVN và Sĩ Cát, có khá nhiều dự án về phong điện đã và đang triển khai tại Hải Phòng (huyện đảo Bạch Long Vỹ), Quảng Ngãi (đảo Lý Sơn), Bà Rịa - Vũng Tàu (huyện Côn Đảo), Kiên Giang (huyện Phú Quốc). Riêng hai tỉnh Bình Định và Bình Thuận, có đến hàng chục dự án phong điện với tổng số vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án đã được cấp phép đầu tư...
Những “cối xay gió” hiện đại đầu tiên tại Tuy Phong, Bình Thuận
CÔNG TRÌNH KỲ VĨ!
Để tạo ra 7,5MW phong điện, Cty REVN đã lắp đặt 5 chiếc quạt công nghiệp gió khổng lồ nặng trên 250 tấn/chiếc. Trong đó, phần thân trụ quạt nặng gần 160 tấn, cao đến 85 mét. Phần tua-bin nặng khoảng 70 tấn, gắn ba cánh quạt hứng gió, mỗi cánh dài 37,5 mét, nặng hơn 6 tấn. Khi vận hành, đường kính hứng gió của quạt là 77 mét! Chiếc quạt được đặt trên móng bê-tông vững chắc tiêu tốn cả nghìn tấn xi-măng, sắt thép. Không riêng người dân nghèo ở xứ giàu gió như Tuy Phong, chúng ta cũng sẽ ngỡ ngàng trước 5 chiếc quạt khổng lồ như những tòa tháp sừng sững nghinh phong! Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, sẽ có thêm hàng chục chiếc quạt công nghiệp phong điện mọc lên, chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
Bên cạnh chiếc quạt 1,5MW là quạt công nghiệp loại một MW cũng khá phổ biến, sẽ được Cty Sĩ Cát lắp đặt cho ba dự án phong điện. Theo Giám đốc điều hành Cty Sĩ Cát Nguyễn Quốc Thắng, “cối xay gió” một MW nặng khoảng 100 tấn, trong đó trụ quạt 37 tấn, cao 70 mét, gồm 6 ống rời bằng thép không rỉ đường kính 2,5 mét; tua-bin khoảng 50 tấn nối với ba cánh quạt được làm bằng hợp chất đặc biệt, mỗi cánh dài 30 mét, nặng 4,5 tấn, bền vững với thời gian. Khi hứng gió đường kính “quét” của quạt tới 60 mét. Quạt được nhập từ hãng nổi tiếng chuyên về phong điện của Pháp, đời mới nhất với giá hơn 2 triệu USD/chiếc...
Côn Đảo... các địa điểm sẽ triển khai dự án của Công ty Sĩ Cát
Một lão niên hơn nửa thế kỷ sống tại xã nghèo Bình Thạnh, huyện Tuy Phong phấn khởi: “Dân ở xứ này ai cũng sợ những cơn gió triền miên quanh năm suốt tháng. Nào ngờ giờ đây gió lại thổi bay đi cái nghèo đã đeo bám bao đời nay!”. Ông Nguyễn Quốc Thắng khẳng định: “Không chỉ thổi bay đi cái nghèo, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặc biệt đối với người dân vùng sâu vùng xa; phong điện còn góp phần giữ gìn và bảo vệ môi trường, tăng cường an ninh quốc phòng. Chưa hết, những chiếc “cối xay gió” kỳ vĩ, lạ mắt sẽ trở thành điểm thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước... Nếu VN có chính sách đầu tư phong điện đúng đắn, mang tính bền vững thì chắc chắn gió sẽ thổi ra... tiền!”.
Được biết, Bộ Công thương đã trình Chính phủ xem xét và phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng tái tạo. Trong tương lai gần, phong điện sẽ đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển của đất nước...